Home » » EQ và sự phát triển của trẻ!

EQ và sự phát triển của trẻ!


EQ và sự phát triển của trẻ và cha mẹ cần làm gì?

Bạn nghĩ sao nếu con bạn luôn ấm ức tức giận khi không hài lòng việc gì đó, hoặc khi ở nhà chúng như 1 người vô cảm, không biết quan tâm tới mọi người, thờ ơ ngay cả khi bố mẹ ốm và mệt mỏi? Tôi chắc chắn các bạn sẽ cực kỳ lo lắng thậm chí tức giận chửi bới hoặc đánh đòn chúng đúng không? Bạn muốn con bạn sẽ hiền hòa, vui vẻ và nói ra được cảm xúc của mình, bạn muốn con bạn sẽ là đứa trẻ biết cân bằng cảm xúc của mình? Bài viết này sẽ giúp bạn nuôi dưỡng cho con những điều đó.
Điều bài viết này muốn đề cập chính là “Trí thông minh cảm xúc” hay chỉ số EQ.
Chỉ số EQ cao sẽ giúp trẻ phát triển tốt khả năng giao tiếp, diễn đạt, hòa đồng với bạn bè, giúp trẻ thích ứng nhanh với cuộc sống. Điều này sẽ tạo cho trẻ một nền tảng tốt về nhân cách cũng như những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống để giúp trẻ có thể thành công vững chắc trong tương lai.

Tự cảm nhận được về bản thân

Khi con trẻ có trí tuệ cảm xúc cao sẽ cho phép đứa trẻ hiểu được cảm xúc của chính mình vui hay buồn, thích thú vui vẻ hay tức giận,… và biết rất rõ lý do tại sao con cảm thấy như vậy. Con trẻ cũng có thể hiểu được tại sao chúng cảm thấy muốn thực hiện một hành động và cảm giác đó, nguyên nhân vì sao. Với sự chủ động đó con sẽ biết được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để phát huy.

Làm chủ hành động của chính mình.

Khi trẻ có trí thông minh cảm xúc tốt chúng sẽ tự tìm ra được nguyên nhân ảnh hưởng đến những hành động của bản thân mình sau đó có thể nỗ lực sửa chữa hành động của mình, chúng biết và cảm nhận được hậu quả của những hành vi đó cho người khác và cho chính mình nên mọi hành động đều đã được kiểm soát.

Biết nghĩ và thông cảm với người khác

Khi trẻ tự cảm nhận được chính mình thì chúng cũng có thể đồng cảm hoàn toàn với người khác. Đó là sự thấu hiểu, tinh tế và sâu sắc. Chính những điều đó giúp chúng có những mối quan hệ tốt hơn, có sự quan tâm để ý mọi người xung quanh.
Vậy làm thế nào để trẻ có được chỉ số EQ cao? Sau đây là những gợi ý cho bố mẹ để giúp con nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ cảm xúc.

Giúp con nhận diện các cảm xúc 

Con trẻ với kiến thức và vốn sống non nớt sẽ không tránh khỏi những bùng nổ cảm xúc chúng gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, vì vậy chúng có thể dễ bùng nổ và cáu giận ở bất kỳ đâu, thậm chí công cộng khi cảm thấy quá sức chịu đựng.
Vì vậy, bạn cần kiên nhẫn và mềm mỏng mỗi khi con gặp những vấn đề này. Hãy nói chuyện với con và chia sẻ với con những điều mình cùng đã từng trải qua và hướng dẫn con gọi tên cảm xúc đó của mình. Điều quan trọng là bạn cần tạo ra môi trường để con cảm thấy an toàn và có thể tin cậy. Qua đó bạn có thể chia sẻ với con cách giải quyết với những cảm xúc đó của mình.

Tạo điểm dừng cho cảm xúc.

Con trẻ chưa thể hiểu hết về những hậu quả của hành vi mình gây ra vì vậy nếu cho con thể hiện cảm xúc một cách thoải mái thì sau này khi trở thành người lớn con không thể thay đổi và kiểm soát được cảm xúc của chính mình, vì vậy cha mẹ cần định hướng, can thiệp ngay khi con có những hành vi ứng xử không phù hợp để tránh việc con sử dụng bạo lực với mình và người khác.
Khi tương tác với con bạn cần sử dụng 3 bước, bước 1: nhận diện vấn đề, bước 2 tìm nguyên nhân, bước 3 đưa ra giải pháp khắc phục.
Bằng cách này, bố mẹ cũng đang gián tiếp dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề.

Động viên và dán nhãn tích cực cho con.

Việc bố mẹ công nhận những tiến bộ của con, những cảm xúc tích cực sau mỗi tình huống được giải quyết sẽ giúp con chú ý và nuôi dưỡng những cảm xúc đó, và cha mẹ cần cho con biết để có được những cảm xúc tích cực đó chúng ta cần làm gì, và công nhận sự cố gắng, kiên trì và chăm chỉ của con.

Chủ động nói chuyện và chia sẻ với mọi người.

Ở nhà, bạn hãy thường xuyên trò chuyện cởi mở, gần gũi với các con để các con học cách kết nối và trao đổi thông tin với người khác, đồng thời nhận biết các đối tượng giao tiếp để có những hành vi phù hợp.
Điều quan trọng nhất là bố mẹ cần cho con cảm nhận và thấu hiểu mọi người xung quanh con, dạy con cách thiết lập mối liên hệ bằng cử chỉ và lời nói với người khác, giúp trẻ trở thành người tử tế, biết quan tâm và suy nghĩ về hành động của chính mình. Đặc biệt, bạn cần tránh áp đặt suy nghĩ khi nói chuyện cùng con. Nếu bạn có ý kiến trái chiều, hãy cùng con phân tích đúng sai. Khi trẻ được tiếp xúc với nhiều quan điểm, chúng trở nên linh hoạt hơn trong suy nghĩ, và dễ chấp nhận, khoan dung hơn với người khác cũng như với bản thân. Hoặc bạn có thể chia sẻ với con những bài học gián tiếp qua những cuốn sách, những bộ phim hay. Hoặc khi con kể về chuyện của người khác, hãy xem nếu con ở trường hợp đó thì sẽ cảm thấy thế nào, có thể làm gì giúp bạn?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét