Home » » Phương pháp dạy trẻ 2 tuổi vâng lời

Phương pháp dạy trẻ 2 tuổi vâng lời

Phương pháp dạy trẻ 2 tuổi vâng lời và lời khuyên cho các cha mẹ.

Trẻ lên 2 tuổi là thời kì phát triển “vàng” mà bố mẹ không thể bỏ qua để có thể giúp con được phát triển toàn diện nhất. Bên cạnh việc chăm lo cho con phát triển khỏe mạnh về thể chất thì việc nuôi dạy và phương pháp dạy trẻ 2 tuổi vâng lời, biết vâng lời cũng là nhiệm vụ quan trọng của các cha mẹ. Giai đoạn này cũng là khoảng thời gian trẻ dễ bị khủng hoảng tâm lý, nếu cha mẹ không có phương pháp dạy trẻ phù hợp thì rất dễ phản tác dụng, trẻ sẽ trở nên khó bảo hơn.

Thứ nhất: Hãy nghiêm giọng thay vì la mắng trẻ

Khi cha mẹ để con thấy mình giận dữ nghĩa là  cha mẹ đã thất bại. Thực tế cho thấy giận dữ chỉ làm trẻ cảm thấy sợ, đồng thời chúng sẽ bướng bỉnh hơn chứ chúng không thể hiểu được vì lý do gì mọi chuyện lại diễn ra như vậy. Do đó, thay vì tức giận, cha mẹ hãy nghiêm giọng phân tích, chỉ ra cho con đâu là đúng, đâu là sai và hậu quả từ những việc con vừa làm.
Tất nhiên, bé 2 tuổi chắc chắn sẽ không thể hiểu hết được như bố mẹ mong đợi nhưng đừng vì thế mà từ bỏ, kiên nhẫn là một trong những yếu tố quyết định thành công trong việc nuôi dạy con. Thông qua cách ngữ điệu, thái độ cùng ánh mắt nghiêm nghị của cha mẹ, dần dần trẻ sẽ nhận thức được đúng sai hoặc ít nhất trẻ cũng phần nào cảm thấy ăn lăn, hối lỗi.

Thứ hai: Không mềm lòng trước ánh mắt của trẻ

Ánh mắt ngây thơ của trẻ là thứ vũ khí có sức sát thương vô cùng mãnh liệt. Nhiều cha mẹ vừa dạy dỗ con xong, nhìn vào đôi mắt trong veo, ngây thơ đẫm nước của con là đã mềm lòng, vội ôm con vào lòng dỗ dành, an ủi. Tuy nhiên, như vậy là “xóa bỏ” hết công cuộc dạy dỗ vừa xong rồi. Chính hành động này đã tạo ra tâm lý dựa dẫm cho trẻ, lần sau gặp phải những trường hợp tương tự trẻ sẽ tiếp tục lặp lại hành động này, lâu dần hình thành thói quen “ăn vạ”. Lời khuyên cho các cha mẹ là nên cho trẻ tự ngẫm một lúc rồi mới vào nựng nịu con.

Thứ ba: Nói đi đôi với làm

Để lời nói của cha mẹ có trọng lượng thì cần kèm theo đó là hành động cụ thể.
Ví dụ: Khi cha mẹ nói: “Đến giờ đi ngủ rồi con yêu” thì hãy kèm theo hành động tắt đèn và dắt bé vào phòng ngủ. Bố mẹ hãy luôn nhớ rằng trong mọi trường hợp lời nói đi đôi với hành động luôn có tác dụng mạnh hơn so với việc bạn chỉ nói suông.

Thứ tư: Hướng dẫn trẻ thật cụ thể

Khả năng ngôn ngữ của trẻ mới 2 tuổi chưa được hoàn thiện nên có thể trẻ sẽ không thể hiểu được hết ý nghĩa trong câu nói của cha mẹ. Do vậy, khi muốn yêu cầu trẻ làm việc gì, cha mẹ hãy hướng dẫn con làm thật cụ thể, chi tiết. Cha mẹ nên làm mẫu một lần để trẻ biết nên làm như thế nào và ghi nhớ các bước để có thể tự làm ở những lần sau.
Ví dụ: Khi cha mẹ muốn con cất đồ chơi, cha mẹ không nên chỉ sai con một cách đại khái và mơ hồ như “Cất đồ chơi đi con”. Thay vào đó, cha mẹ hãy nói: “Con hãy cất cái ô tô màu vàng vào trong giỏ đựng đồ chơi đi” và có thể làm mẫu để trẻ làm theo. Bằng cách này, trẻ sẽ dễ dàng hình dung được cụ thể mình cần phải làm gì.

Thứ năm: Không cư xử bất lịch sự trước mặt trẻ

Người lớn luôn là tấm gương để trẻ nhìn vào. Mọi thói xấu của trẻ đa số là học từ người lớn. Các con bắt chước rất nhanh, chỉ cần một lần nhìn thấy cũng đủ để trẻ học theo mà chưa thể phân biệt được đúng sai, tốt xấu. Nếu cha mẹ cãi nhau trước mặt con cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tự kỷ.
Vì vậy, trước mặt trẻ, cha mẹ chỉ nên làm mẫu những hành động đẹp như luôn nói lời cảm ơn, xin lỗi, biết giúp đỡ mọi người,… để trẻ học theo nhé!

Thứ sáu: Khích lệ, khen ngợi trẻ

Khi trẻ hoàn thành một việc tốt, cho dù là việc nhỏ thì cha mẹ cũng nên khen ngợi con. Đó sẽ là hành động tiếp thêm sức mạnh cho trẻ để trẻ thích thú với những công việc đó. Cha mẹ có thể đập tay, vỗ vai và nói những câu có cảm xúc để tạo động lực cho trẻ phát huy ở những lần sau.

Thứ bảy: Kiên trì với trẻ

Dạy trẻ 2 tuổi biết nghe lời cần phải có thời gian. Các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ xảy ra theo một trình tự nhất định và cha mẹ chỉ nên là người giúp bé trải qua các trình tự đó, không nên vội vàng mà bỏ qua bất cứ giai đoạn nào. Khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu ở trẻ sẽ được nâng dần theo thời gian.
Lời khuyên “dạy con từ thuở còn thơ” của cha ông ta luôn đúng ở mọi trường hợp. Việc đưa trẻ vào nề nếp từ sớm sẽ đóng vai trò quyết định cho việc hình thành tính cách và nhân phẩm sau này của trẻ. Cha mẹ hãy thấu hiểu con và áp dụng linh hoạt các phương pháp để đem lại hiệu quả cao nhất nhé.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét