Home » » Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non

Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non

Có một tác giả từng nói “Giáo dục kỹ năng sống không phải là nói cho trẻ biết thế nào là đúng, thế nào là sai.  Giáo dục kỹ năng sống là phải giúp trẻ nâng cao năng lực tự lựa chọn giữa những giải pháp khác nhau khi giải quyết vấn đề nào đó trong cuộc sống”. Để làm được điều đó, người dạy cần sử dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học hiệu quả.
Trẻ có thẻ hòa nhập nhanh với cuộc sống xung quanh, biết cách phát triển các mối quan hệ với mọi người, với thiên nhiên từ đó học hỏi và làm giàu thêm vốn kiến thức, kinh nghiệm cũng như các kỹ năng của bản thân. Như vậy, để hành động trở thành kỹ năng cần trải qua một quá trình. Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ phải gắn với các việc làm, tình huống cụ thể để trẻ được quan sát người khác làm, trẻ được tự thực hiện để trải nghiệm.
Đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non, kỹ năng sống chính là những thao tác hành động, tình cảm các con sử dụng hàng ngày để xử lý các tình huống phát sinh trong cuộc sống và đáp ứng nhu cầu bản thân.
Hiểu được vai trò quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ lứa tuổi mầm non, tôi xin chia sẻ một số phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ hiệu quả nhất:

1. Giáo dục thông qua hoạt động vui chơi

Ở tuổi mầm non, vui chơi giúp trẻ có nhiều hứng thú, tạo cơ hội cho trẻ vận động và vận dụng nhiều kỹ năng khác nhau để giải quyết thử thách của trò chơi. Ví dụ chơi trò chơi gia đình, bé phải đóng giả các nhân vật, xây dựng các mối quan hệ với các thành viên khác và giải quyết những vấn đề xảy ra trong một gia đình

2. Thông qua các hoạt động nghệ thuật

Các bộ phim, bài hát, bài thơ, truyện tranh, tranh vẽ…sẽ là những gợi ý cho trẻ cư xử đúng mực, có cách giải quyết vấn đề hiệu quả.

3. Thông qua các hoạt động sáng tạo

Với trò chơi đóng vai, trẻ “nhập vai” và giải quyết tình huống giả định, giúp trẻ tập các kỹ năng sống một cách nhẹ nhàng, thú vị. Ví dụ: đi siêu thị mà bị lạc thì trẻ sẽ làm gì?, làm hỏng đồ chơi của bạn trẻ sẽ làm thế nào?
Như vậy việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn. Trẻ được giáo dục tốt sẽ có cơ hội phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần, biết thích nghi với mọi hoàn cảnh sống và sớm tự lập.

4. Phương pháp giao nhiệm vụ

Đây là phương pháp thường được dùng trong nhóm các phương pháp giáo dục . Giao nhiệm vụ là đặt trẻ vào vị trí buộc trẻ  nhất định phải thực hiện trách nhiệm cá nhân. Giao nhiệm vụ sẽ giúp trẻ phát triển tính chủ động, sáng tạo, khả năng ứng đáp trong mọi tình huống của trẻ vì vậy muốn giao nhiệm vụ có kết quả tốt thì giáo viên cần hình dung được những việc phải làm gợi ý và yêu cầu trẻ phải hoàn thành . Khi giao nhiệm vụ cố gắng đảm bảo phù hợp với đặc điểm, lứa tuổi và khả năng của từng trẻ, không yêu cầu quá ức gây hoang mang lo lắng.

5. Thông qua sinh hoạt hàng ngày

Các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của trẻ đa phần là những hoạt động lặp đi lặp lại vì vậy trẻ được rèn luyện nhiều và thực hiện các công việc đó một cách dễ dàng vì đã thành nếp sinh hoạt. Ngoài ra, trong sinh hoạt trẻ cũng gặp phải những vấn đề mới nảy sinh – đó chính là cơ hội quý để hình thành những kĩ năng sống mới.
Và để cho các phương pháp được áp dụng một cách hiệu quả nhất, chúng ta cũng cần tuần thủ những nguyên tắc khi dạy trẻ như:

1. Không nên quá nuông chiều trẻ

Trẻ em thường sống theo bản năng vì chúng chưa được dạy bảo về cách sống thế nào cho tốt, thế nào chưa tốt nên phụ huynh thường dễ dãi với trẻ khiến đứa trẻ lớn lên có tính cách ích kỷ, gia trưởng, hay đòi hỏi… Không can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con. Bạn nên tạo cho trẻ những không gian riêng để trẻ thực hiện sở thích của mình, phát huy tính tự phục vụ và tự lập. Nếu bạn can thiệp quá nhiều thì trẻ sẽ có tâm lý ỷ lại, phụ thuộc và vẫn mãi là những đứa trẻ khi lớn lên.

2. Không nên kỷ luật quá hà khắc

Tuyệt đối không được sử dụng vũ lực dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Những đứa trẻ bị đánh đập thường có xu hướng thích gây gổ với những người khác. Trẻ có thể trở thành kẻ bắt nạt và sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Bạn cần kiềm chế, lắng nghe những điều con muốn và tìm cách giải quyết ổn thỏa.

3. Trẻ em cũng cần được tôn trọng

Bạn nên có thái độ lịch sự, tôn trọng và chú ý lắng nghe ý kiến của bé. Đây là nền tảng cho những mối quan hệ của trẻ với người khác sau này.
Như vậy, việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực. Mỗi trẻ có những yếu tố cá nhân khác nhau và sự ảnh hưởng của các quan hệ xã hội cũng như hoàn cảnh sống, môi trường trải nghiệm khác nhau nên nhà giáo dục cần có những hình thức, biện pháp linh hoạt, hợp lý và tận dụng các điều kiện để tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ được tự trải nghiệm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét